Sáng ngày 15/05/2018, trong khuôn khổ hợp tác với Liên minh Nghiên cứu Chính sách và Hệ thống Y tế (AHPSR), Trường Đại học Y tế công cộng tổ chức “Hội thảo công bố kết quả dự án Tăng cường năng lực cho các nghiên cứu triển khai tại Việt Nam” (Strengthening capacity for implementation research training centres - SCapIR). Tới dự cóTS. Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), lãnh đạo Trường Đại học Y tế công cộng, các nhà khoa học, các nhà quản lý và các cán bộ làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu triển khai.
Ảnh: TS. Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo nhằm chia sẻ các đầu ra của dự án và báo cáo kết quả 06 nghiên cứu triển khai trong khuôn khổ dự án, từ đó tăng cường mối liên kết và hợp tác giữa các nhà khoa học, các chuyên gia trong thực hiện các nghiên cứu triển khai tại Việt Nam.
Ảnh: GS.TS Bùi Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Ảnh từ trái sang: ThS. Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế), PGS.TS Hoàng Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng tham dự Hội thảo
Từ năm 2016 Trường Đại học Y tế công cộng hợp tác cùng Liên minh Nghiên cứu Chính sách và Hệ thống Y tế (AHPSR), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm đẩy mạnh việc sáng tạo và nâng cao kiến thức để thực hiện việc triển khai tốt hơn các chương trình Y tế hiện có thông qua các nghiên cứu. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực cho người ra quyết định (là các cán bộ triển khai chương trình) để sử dụng nghiên cứu như là phương tiện giải quyết các vấn đề trong quá trình triển khai thực tế các chương trình tại địa phương. Mặc dù có những nghiên cứu về tính hiệu quả của các can thiệp sức khỏe, vẫn còn có những khoảng trống hiểu biết về việc làm thế nào để có thể triển khai các can thiệp một cách hiệu quả ở những bối cảnh đa dạng khác nhau, với các hệ thống y tế khác nhau. Nghiên cứu sẽ giúp làm rõ những khác biệt giữa những điều có thể đạt được về lý thuyết và những gì xảy ra trên thực tế. Nghiên cứu triển khai có mục đích thực hiện điều này, thông qua việc hiểu rõ không chỉ chương trình nào thành công hay không thành công, mà còn xem xét quá trình triển khai được thực hiện đúng hay sai như thế nào và tại sao cũng như thử nghiệm các cách tiếp cận để cải thiện điều đó.
Ảnh: Các đại biểu và báo cáo viên tham dự Hội thảo
Các nghiên cứu được báo cáo tại Hội thảo lần này chủ yếu tập trung vào việc tạo ra các chiến lược và những hiểu biết mới nhằm hỗ trợ cho việc triển khai hiệu quả hơn các chương trình y tế hiện có như: Tăng cường hiệu quả của chương trình tư vấn cho bệnh nhân điều trị Methadone tại Hà Nội; Tăng cường cho con bú mẹ sớm ngay sau mổ sinh ở Bệnh viện Hùng Vương (Thành phố Hồ Chí Minh); Cải thiện việc tuân thủ Quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh tại BV Sản Nhi tỉnh Hưng Yên; Triển khai lồng ghép sàng lọc Ung thư cổ tử cung cho phụ nữ tại tuyến cơ sở; Nâng cao chất lượng y tế trường học tại Đồng Tháp và Tăng cường triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với người nhiễm HIV (Thông tư 15/2015/TT-BYT) tại BV Bạch Mai. Từ đó, đẩy mạnh việc sáng tạo và nâng cao kiến thức để thực hiện việc triển khai tốt hơn các chương trình Y tế hiện có và tăng cường năng lực cho người ra quyết định (là các cán bộ triển khai chương trình) để sử dụng nghiên cứu như là phương tiện giải quyết các vấn đề trong quá trình triển khai thực tế các chương trình tại địa phương.
(Nguồn: huph.edu.vn)