Mục tiêu: Nghiên cứu can thiệp được thực hiện nhằm đánh giá kết quả can thiệp tăng cường kết nối người nhiễm HIV tới điều trị tại Ninh Bình.
Phương pháp nghiên cứu: Sử dụng thiết kế nghiên cứu tiền thực nghiệm, đánh giá trước-sau trên toàn bộ người nhiễm HIV phát hiện trong năm 2014 và năm 2016. Các can thiệp triển khai gồm thử nghiệm sử dụng phần mềm hỗ trợ chuyển gửi, đào tạo cho cán bộ y tế và đồng đẳng viên/nhân viên tiếp cận cộng đồng. Thông tin về đối tượng và tiếp cận điều trị được thu thập hồi cứu từ số liệu thứ cấp.
Kết quả nghiên cứu: Tỷ lệ người nhiễm tiếp cận điều trị sớm (trong vòng 6 tháng) sau can thiệp tăng từ 52% lên 72,7%, trong đó, tỷ lệ vào điều trị ARV tăng từ 80% lên 93,8% (p<0,05). Độ bao phủ điều trị ARV tăng 18,5%, gần gấp đôi mức tăng của toàn quốc trong cùng giai đoạn. Trung vị thời gian từ khi có kết quả dương tính với HIV tới điều trị giảm từ 7 còn 3 ngày. Tuy nhiên vẫn có tới 43,5% bệnh nhân có chỉ số xét nghiệm tế bào CD4 thấp dưới 100/mm3 khi đăng ký điều trị.
Kết luận: Tỷ lệ tiếp cận điều trị của người nhiễm và thời gian từ xét nghiệm đến điều trị sau can thiệp được cải thiện rõ rệt cho thấy ảnh hưởng tích cực của can thiệp. Các giải pháp này nên tiếp tục thực hiện nhưng cần có những điều chỉnh về thiết kế, tổ chức để đảm bảo tính duy trì.