Mục tiêu: Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá kiến thức sơ cứu (SC) và xác định một số yếu tố liên quan của người dân tại phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang năm 2019.
Phương pháp nghiên cứu: Sử dụng thiết kế nghiên cứu cắt ngang có so sánh với cỡ mẫu cho xác định/ước lượng một tỷ lệ, 422 đối tượng được ngẫu nhiên chọn tham gia nghiên cứu với các tiêu chí: trên 18 tuổi, có đủ sức khỏe, và có hộ khẩu đăng ký thường trú tại phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang.
Kết quả: tỷ lệ người dân biết đến bỏng nhiệt chiếm nhiều nhất (94,3%), tiếp đến bỏng điện, bỏng hóa chất và bỏng lạnh với tỷ lệ lần lượt là 76,1%; 65,9% và 30,3%. Có 22,7% người dân từng thực hiện SC khi bị bỏng. Đa số người dân biết cách SC khi bị bỏng nước sôi đó là: ngâm nước mát (80,6%), thời gian ngâm rửa 15 đến 30 phút (41,9%), che phủ vết thương bằng khăn sạch, bông y tế (95,3%). Có tới 98,1% người dân trả lời sai về chất bôi khi bị bỏng nước sôi. Kiến thức đúng trong xử trí khi vết bỏng xuất hiện nốt phồng rộp là 68,5%, khi có vật dính là 82,7%, khi không có vật dính là 33,6%. Nhóm đối tượng có điểm kiến thức trung bình là 5,63 điểm (từ 2 – 9 điểm). Một số yếu tố liên quan đến kiến thức SC khi bị bỏng nước sôi của người dân: tuổi, giới, nghề nghiệp, trình độ học vấn, nơi sống.
Khuyến nghị: Từ kết quả nghiên cứu cần nâng cao công tác truyền thông nâng cao kiến thức SC khi bị bỏng cho người dân lồng ghép vào các buổi họp tổ dân phố đặc biệt là các đối tượng là nữ giới, có độ tuổi từ 18-30 tuổi, những đối tượng là nông dân và đang sinh sống tại nhà.