Mục tiêu: Mô tả chất lượng cuộc sống (CLCS) và xác định các yếu tố liên quan của người bệnh ung thư.
Phương pháp nghiên cứu: sử dụng thiết kế nghiên cứu cắt ngang. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 01/2019 đến 06/2019, tại Bệnh viện Đại học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh (TPHCM), tiến hành trên 318 người bệnh ung thư đang điều trị tại 07 khoa lâm sàng.
Kết quả: So với tổng điểm 100 của thang đo EORTC QLQ-C30, điểm trung bình CLCS chung của người bệnh ung thư ở mức thấp với 49,2 ± 6,5 điểm. Lĩnh vực chức năng cao nhất với 54,8 ± 26,1 điểm. Điểm CLCS chung của người bệnh có liên quan đến việc người bệnh được nhân viên y tế (NVYT) đối xử tử tế và tôn trọng (p = 0,036) và sức khỏe tổng quát ở những người bệnh ung thư được Bác sĩ tư vấn rõ ràng và đầy đủ (p = 0,044). Người bệnh ở nhóm tuổi trên 61 tuổi có điểm CLCS chung thấp hơn so với người bệnh trong nhóm tuổi khác (p<0,001). Bên cạnh đó, điểm CLCS của người bệnh có sự khác biệt giữa các nhóm có tôn giáo, trình độ học vấn, hôn nhân, nghề nghiệp, kinh tế bản thân, kinh tế gia đình, loại ung thư và thời gian mắc bệnh khác nhau (p<0,05).
Kết luận: Điểm trung bình CLCS chung của người bệnh ung thư ở mức thấp. Có mối liên quan giữa thái độ giao tiếp của NVYT, sự tư vấn của Bác sĩ về việc chọn phương pháp điều trị với điểm CLCS của người bệnh. Các giải pháp liên quan đến tập huấn kỹ năng giao tiếp của NVYT được bệnh viện rất chú trọng. Ngoài ra, hướng đến xây dựng hệ thống hỗ trợ, tư vấn chuyên biệt dành cho người bệnh ung thư.