Mục tiêu: Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định mức độ tái hòa nhập và một số yếu tố ảnh hưởng đến sự tái hòa nhập cộng đồng (HNCĐ) của bệnh nhân phong đã được điều trị.
Phương pháp nghiên cứu: Thiết kế mô tả cắt ngang phân tích, thực hiện trên toàn bộ 165 bệnh nhân phong đã được điều trị tại tỉnh Lâm Đồng thông qua bộ câu hỏi đánh giá HNCĐ ACPQ đã được chuẩn hóa tại Việt Nam. Nghiên cứu sử dụng 38 trong 44 câu hỏi của bộ công cụ, trong đó 24 câu đánh giá mức độ hòa nhập với 5 mức độ được tính điểm từ 1 đến 5. Tổng điểm cao nhất là 120, và nghiên cứu sử dụng điểm cắt 50% - nghĩa là tổng điểm dưới 60 được xem là “không hòa nhập cộng đồng”.
Kết quả: Nghiên cứu đã cho thấy có đến 74,5% người bệnh không HNCĐ. Các yếu tố liên quan đến tình trạng không HNCĐ của bệnh nhân bao gồm nữ giới (OR=2,7 KTC95%: 1,21-6,62), dân tộc thiểu số (OR=2,1 KTC95%: 0,94-4,54), trình độ học vấn thấp (OR=3 KTC95%: 1,25-7,24), không có nghề nghiệp (OR=2,5 KTC95%: 1,12-5,58), hộ gia đình nghèo (OR=3,5 KTC95%: 1,49-8,57), và có nhu cầu hỗ trợ kinh tế (OR=3,5 KTC95%: 1,47-8,9) và vật lý trị liệu (OR=2,6 KTC95%: 1,04-6,39) cũng như sự tự kỳ thị của bệnh nhân (OR=2,2 KTC95%: 0,99-4,68).
Kết luận: Các nỗ lực cải thiện sự HNCĐ của bệnh nhân phong cần tập trung vào các nhóm bệnh nhân yếu thế như người dân tộc nghèo, không có việc làm, trình độ học vấn thấp, cũng như cần tập trung truyền thông về bệnh để giảm sự kỳ thị của xã hội và chính bản thân bệnh nhân.