Mục tiêu: Nghiên cứu được thực hiện nhằm mô tả thực trạng các hoạt chất điều trị suy tim mạn tính trúng thầu tại Việt Nam trong giai đoạn 2022-2023.
Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang hồi cứu dựa trên báo cáo kết quả trúng thầu được công bố trên trang thông tin đấu thầu của Cục Quản lý Dược từ 01/01/2022 đến 31/12/2023. Các hoạt chất điều trị suy tim được xác định từ Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim cấp và mạn của Bộ Y tế năm 2022. Tất cả các thông tin của các hoạt chất trúng thầu, bao gồm (1) Hàm lượng/nồng độ; (2) Dạng bào chế; (3) Đường dùng; (4) Số lượng trúng thầu; (5) Đơn giá trúng thầu; (6) Nhóm thuốc; (7) Giá trị trúng thầu đều được trích xuất và phân tích.
Kết quả: Có tổng số 23 hoạt chất được sử dụng trong điều trị suy tim mạn tính trúng thầu trong khung thời gian phân tích. Giá trị trúng thầu của tất cả 23 hoạt chất là 2.569,11 tỷ đồng, trong đó, biệt dược gốc trúng thầu 930,37 tỷ đồng (36,2%). Giá trị trúng thầu của các thuốc biệt dược gốc và tỷ số biệt dược gốc/generic nhìn chung có xu hướng tăng lên. Chênh lệch giá giữa biệt dược gốc và generic nhóm 1 dao động từ 0,99 đến 5,09 lần.
Kết luận: Thuốc điều trị suy tim mạn tính trúng thầu trong giai đoạn 2022 – 2023 với tỷ số BDG/generic cao và sự chênh lệch về giá trúng thầu giữa các thuốc biệt dược gốc với generic nhóm 1 cùng hoạt chất, nồng độ/hàm lượng, dạng bào chế dao động ở nhiều mức độ khác nhau. Các cơ sở y tế cần chủ động giám sát, theo dõi việc sử dụng các thuốc và cân nhắc lựa chọn các thuốc generic để nâng cao tính chi phí hiệu quả. Các nghiên cứu phân tích thực trạng sử dụng thuốc so với kết quả trúng thầu nên được thực hiện trong thời gian tới.