Mục tiêu nghiên cứu: Mô tả thực trạng và xác định một số yếu tố liên quan đến việc đọc sách của sinh viên cử nhân chính quy trường Đại học Y tế công cộng, năm 2019.
Phương pháp nghiên cứu: Thiết kế nghiên cứu cắt ngang phân tích. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 04 năm 2019 đến tháng 04 năm 2020, trên 420 sinh viên cử nhân chính quy của trường Đại học Y tế công cộng. Thông tin được thu thập thông qua phát phiếu tự điền.
Kết quả: Tỷ lệ sinh viên yêu thích đọc sách là 80,0% và thường xuyên đọc sách chiếm 41,0%. Phân tích mô hình hồi quy đa biến cho thấy, yếu tố liên quan đến mức độ đọc sách thường xuyên của sinh viên gồm: Tần suất đến thư viện hàng tuần (OR=1,87; p=0,004; CI95%: 1,22 – 2,84) và Đọc hết tài liệu thầy cô giao (OR=1,61; p=0,043; CI95%: 1,01 – 2,55). Ngoài ra, việc đọc toàn bộ sách được giao của các sinh viên yêu thích đọc sách cũng cao hơn hẳn các sinh viên không yêu thích đọc sách.
Kết luận và khuyến nghị: Việc đọc sách trong sinh viên nhìn chung vẫn chưa cao và chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có hình thức giảng dạy của thầy cô. Do đó, thầy/cô nên tăng cường việc kiểm tra việc đọc sách, đọc tài liệu môn học trước khi vào giờ học và áp dụng tiêu chí quy định về số sách chuyên ngành tham khảo cho mỗi bài tập trong quá trình chấm điểm.