Mục tiêu: Tính toán chi phí điều trị của người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (PTNMT), Bệnh viện Phổi Trung ương và xác định một số yếu tố liên quan từ góc độ bảo hiểm y tế, hộ gia đình.
Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích, kết hợp định lượng và định tính. Số liệu định lượng được thu thập trên 228 đối tượng từ tháng 06/2019 đến 08/2019 tại khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương, Hà Nội. Sau đó, phỏng vấn sâu Lãnh đạo khoa và phòng liên quan, đồng thời thảo luận nhóm người bệnh và người chăm sóc người bệnh để làm sáng tỏ, giải thích sự tăng lên của các cấu phần chi phí điều trị bệnh.
Kết quả: Chi phí điều trị trực tiếp trung bình trong một đợt điều trị là 18.331.523 VNĐ, trung vị là 12.304.700 VNĐ, chi phí trung bình thấp nhất ở người bệnh giai đoạn II và không sử dụng bảo hiểm y tế là 4.147.900 VNĐ, cao nhất người bệnh giai đoạn IV, thở máy, nhiễm khuẩn bệnh viện được bảo hiểm chi trả 100% với tổng chi phí điều trị là 67.556.000 VNĐ. Chi phí điều trị dành cho y tế cao nhất ở chi phí thuốc (38,72%). Trong nhóm chi phí không dành cho y tế của hộ gia đình cao nhất ở chi phí ăn uống, chiếm 25,98%, tiếp đến chi phí đi (25,03%). Một số đặc điểm của đối tượng nghiên cứu như nhiều tuổi, nam giới, nghề nghiệp công nhân, nông dân tiếp xúc môi trường ô nhiễm độc hại và khói bụi, trình độ học vấn thấp, không có gia đình, đã và đang hút thuốc lá nhiều, chỉ số BMI thấp, đặc điểm lâm sàng như giai đoạn nặng, nhóm GOLD, phương pháp điều trị (thở oxy, thở máy), mắc nhiều bệnh kèm theo, bị nhiễm khuẩn bệnh viện làm gia tăng chi phí điều trị của người bệnh.
Khuyến nghị: Đối với bệnh viện: cần rà soát và tăng cường giám sát việc sử dụng thuốc kháng sinh tại bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc, hoàn thiện phác đồ điều trị nhằm giảm ngày điều trị, từ đó giảm chi phí điều trị cho người bệnh. Đặt ra mức trần ngày điều trị theo giai đoạn và phác đồ điều trị, giảm bớt gánh nặng cho hộ gia đình không có khả năng tài chính. Đối với khoa phòng chức năng: Khoa dinh dưỡng tiết chế, xây dựng thực đơn, cung cấp các dịch vụ ăn uống đến người bệnh và người nhà với giá thành hợp lý. Khoa nhiễm khuẩn bệnh viện tăng cường kiểm tra, duy trì, đồng thời tìm phương hướng hành động làm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện. Xây dựng mô hình tư vấn, phòng chống hút thuốc lá, thực hiện tuân thủ điều trị tại nhà.