Mục tiêu: Bài viết nhằm mô tả thực trạng tiếp cận bảo hiểm y tế (BHYT) trong khám, chữa bệnh của người nhiễm HIV/AIDS tại Phòng khám ngoại trú - Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Đống Đa, năm 2019.
Phương pháp nghiên cứu: Bài viết sử dụng số liệu định lượng từ một nghiên cứu sử dụng thiết kế cắt ngang, định lượng kết hợp với định tính. Có 283 người nhiễm HIV/AIDS được chọn vào nghiên cứu theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên từ tháng 4 đến tháng 6/2019. Phân tích thống kê mô tả được áp dụng sử dụng phần mềm SPSS 16.0. Số liệu định tính được phân tích theo chủ đề.
Kết quả: Tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT là 84,8%, có dự định tiếp tục mua BHYT là 91,9%. Một số lý do mua thẻ BHYT của người nhiễm là do nhiễm HIV/AIDS (51,6%), để phòng khi ốm đau (50%), do thường xuyên ốm đau (42,3%). Lý do chính không mua thẻ BHYT là sợ lộ thông tin, sợ bị kỳ thị phân biệt đối xử (69,8%).
Kết luận và khuyến nghị: Tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT 84,8%, trong đó sợ lộ thông tin và sợ bị kỳ thị phân biệt đối xử là rào cản chính với tiếp cận BHYT. Do vậy, Bệnh viện cần khuyến khích người nhiễm HIV có thẻ BHYT và sử dụng thẻ BHYT để khám chữa bệnh thông qua rà soát các đối tượng chưa có BHYT, có BHYT nhưng không sử dụng BHYT, đồng thời hướng dẫn, giải thích cho người nhiễm, tiếp tục tư vấn, cung cấp thông tin rõ ràng về bệnh và các lợi ích và thông tin cần thiết về BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS ngay tại phòng khám ngoại trú. Cần tăng cường tập huấn cho nhân viên y tế và người nhà để giảm thiểu sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm.