Mục tiêu: Mô tả thực trạng hội chứng tiền kinh nguyệt (HCTKN) ở sinh viên nữ Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk năm 2024 và phân tích một số yếu tố liên quan.
Phương pháp nghiên cứu: Thiết kế cắt ngang trên 360 sinh viên nữ chính quy tại Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024. Thu thập số liệu về HCTKN bằng phương pháp phát vấn qua bộ công cụ sàng lọc HCTKN (Premenstural syndrome screening tool - PSST) phiên bản tiếng Việt.
Kết quả: Tỉ lệ có HCTKN ở nữ sinh viên là 36,9%, trong đó 14,3% thuộc mức độ nặng - rối loạn loạn khí sắc tiền kinh nguyệt (RLLKSTKN). Triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi/thiếu năng lượng (85,0%). Ngành học, chỉ số khối cơ thể, tuổi bắt đầu hành kinh, thời gian một chu kỳ kinh nguyệt, đau bụng kinh, thời gian ngủ, thời gian học tập/làm việc, thời gian sử dụng thiết bị điện tử, uống trà, uống cà phê, ăn trái cây/rau xanh, tập thể dục có liên quan có ý nghĩa thống kê đến HCTKN (p<0,05).
Kết luận: Tỉ lệ có HCTKN ở nữ sinh viên cao hơn một số nghiên cứu trước đây tại Việt Nam. Vì vậy, cần sàng lọc, phát hiện sớm HCTKN và tăng cường truyền thông, tư vấn sức khỏe tiền kinh nguyệt cho sinh viên nữ.