Mục tiêu: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ra mỗi năm có xấp xỉ 16 tỷ mũi tiêm, trong đó 90-95% mũi tiêm nhằm mục đích điều trị và chỉ 5%-10% mũi tiêm dành cho dự phòng. Trong điều trị, tiêm có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong trường hợp người bệnh cấp cứu. Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu mô tả thực trạng thực hành quy trình tiêm tĩnh mạch an toàn của điều dưỡng (ĐD) các khoa lâm sàng tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) khu vực Tháp Mười năm 2021.
Phương pháp nghiên cứu: Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang, công cụ đánh giá tiêm tĩnh mạch an toàn của ĐDV được sử dụng dựa trên 20 tiêu chí. Nghiên cứu định lượng được thực hiện trên 62 ĐDV với tổng số 186 mũi tiêm được quan sát, trong thời gian từ tháng 4 – tháng 11/2021 tại BVĐK khu vực Tháp Mười.
Kết quả: Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ ĐD thực hiện mũi tiêm tĩnh mạch an toàn đạt là 62,9%, tiêu chí về sát khuẩn sạch vùng tiêm từ trong ra ngoài theo hình xoáy ốc đường kính trên 10 cm, tối thiểu 2 lần của giai đoạn trước tiêm có ĐD mắc lỗi nhiều nhất chiếm tỷ lệ 87,09%.
Kết luận: Tỷ lệ ĐD thực hiện mũi tiêm tĩnh mạch an toàn đạt chiếm 62,9%; Tỷ lệ mũi tiêm tĩnh mạch an toàn ngoài giờ hành chính đạt tỷ lệ thấp nhất. Nghiên cứu đưa ra khuyến nghị cần trang bị phương tiện tiêm đầy đủ, phù hợp; Tiếp tục tạo điều kiện để điều dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; Kiểm tra, giám sát tập trung vào thời điểm tiêm ngoài giờ hành chính.